Ngành kho lạnh 'nóng' dần nhờ bán lẻ thực phẩm sôi động
Ngành kho lạnh Việt Nam đang phất lên nhờ sự mở rộng mạnh mẽ của chuỗi bán lẻ và dịch vụ thực phẩm hiện đại.
Thị trường ngành hậu cần giữ lạnh tại Việt Nam đang trong thời điểm "ăn nên làm ra" nhờ nhu cầu gia tăng từ ngành thực phẩm. Phân tích từ FiinGroup dự báo thị trường này đạt giá trị 169 triệu USD trong năm nay và hiện đang nằm trong tay 44 nhà cung cấp chuyên biệt.
80% nhu cầu của dịch vụ hậu cần giữ lạnh đến từ ngành thực phẩm. Trong đó, sự phát triển mạnh mẽ của các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi được coi là động lực chính. Cụ thể, các nhà bán lẻ hiện đại đã tăng 40% lượng cửa hàng, đạt 4.200 địa điểm trong năm 2018.
"Những đơn vị này có xu hướng thuê ngoài dịch vụ hậu cần giữ lạnh khi mở rộng nhằm tối ưu hóa chi phí, tạo ra triển vọng cho nhà cung cấp trong nước", FiinGroup cho biết ngành hậu cần giữ lạnh ở Việt Nam được chia thành hai phân khúc chính: kho lạnh và vận chuyển lạnh.
Về kho lạnh, quy mô kho của các nhà cung cấp nội địa lẫn nước ngoài phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Tổng công suất thiết kế của các kho lạnh cho thuê tại Việt Nam năm 2018 là 600.234 pallet.
Tổng công suất kho lạnh cho thuê tại Việt Nam qua các năm. đơn vị (nghìn pallet). Nguồn: FiinGroup |
Thị trường phát triển hơn ở khu vực phía Nam, nhờ nhu cầu cao từ xuất khẩu và bán lẻ thủy sản. Trong khi đó, thị trường phía Bắc chứng kiến sự hồi sinh với sự gia tăng công suất thiết kế từ 26.750 pallet (2015) lên 71.750 pallet (2018). Do đó, thị trường miền Bắc đang đối mặt với thừa nguồn cung tạm thời và tỷ lệ sử dụng thấp, đặc biệt là đối với các cơ sở mới. Dự báo thị trường này sẽ cần 2-3 năm nữa để đạt được trạng thái cân bằng.
Các nhà cung cấp trong nước như Hoàng Lai, Phan Duy dẫn đầu thị trường về năng lực thiết kế trong khi các nhà cung cấp nước ngoài như Coldent Cold, PFS, LOTTE Logistics dẫn đầu về chất lượng và dịch vụ quản lý.
Nhà cung ứng nước ngoài cung cấp nhiều vùng nhiệt độ (đông lạnh, ướp lạnh), mã vạch, hệ thống quản lý hàng tồn kho và các dịch vụ giá trị gia tăng đa dạng với giá cao. Những người chơi này được coi là nhà cung cấp 'Cấp 1'.
Do nhu cầu lưu trữ lạnh tăng cao, nhiều nhà cung cấp, đặc biệt là các công ty nước ngoài như CLK, Anpha có kế hoạch đầu tư mới với tổng công suất bổ sung xấp xỉ 60.000 pallet trong giai đoạn 2019-2023.
Biên lợi nhuận ròng trong ngành hậu cần giữ lạnh tại Việt Nam. Nguồn: FiinGroup |
Trong khi đó, mảng vận tải lạnh cũng kinh doanh ngày càng khấm khá. Khoảng 11% lưu lượng container qua cảng biển tại Việt Nam, tương đương 2 triệu TEU năm 2018, là các container lạnh, thúc đẩy bởi tăng trưởng xuất nhập khẩu và cơ sở hạ tầng cải thiện.
Thị trường này đang bị phân mảnh và chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt từ nhiều nhà cung cấp vừa và nhỏ. Một vài tên tuổi nổi bật gồm ABA Cooltrans, Bình Minh Tải, Tân Hùng và Quang Minh. Lợi thế cạnh tranh của họ là đội xe tải đông lạnh, nhân viên bán hàng và chất lượng dịch vụ.
Theo phân tích của Fiingroup, các nhà cung cấp hậu cần giữ lạnh toàn diện với các giải pháp giá trị gia tăng đang có biên lợi nhuận ròng là 19%. Điều đáng nói là các công ty vận tải lạnh cũng đạt được biên lợi nhuận không kém nhiều.
Viễn Thông - vnexpress